Công an TP Phan Thiết cho rằng việc ngăn cản chủ trường tự thiêu của nhóm bảo vệ là đúng nhưng dùng khóa số 8 còng tay là sai, vượt thẩm quyền cho phép.
Ngày 25/3, thượng tá Phạm Xuân Thịnh – Phó công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết đã xác định được nhóm bảo vệ còng tay, rút súng thị uy giữa sân trường Mầm non – Tiểu học Thanh Nguyên hai hôm trước.
Theo thượng tá Thịnh, nhóm bảo vệ này được Quản tài viên (chức danh mới chuyên xử lý sau phá sản do Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ mới được hành nghề quản lý) hợp đồng vào trường hỗ trợ làm thủ tục niêm phong phá sản theo quyết định của TAND TP Phan Thiết thì xảy ra xô xát với chủ trường và các giáo viên.
Khi bà Đoàn Thị Dung – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên – có ý định dùng xăng tự thiêu, nhóm bảo vệ đã ngăn cản. “Việc dùng công cụ hỗ trợ còng tay trong trường hợp này là sai, không đúng thẩm quyền, chức năng”, ông Thịnh cho biết.
Theo Phó công an TP Phan Thiết, nếu bà Dung có ý định dùng xăng tự thiêu thì lực lượng bảo vệ đi theo Quản tài viên được phép ngăn chặn. Bởi hành động của bà Dung không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Tuy nhiên, chưa đến mức nhóm bảo vệ phải dùng còng.
Về sử dụng súng, thượng tá Thịnh cho rằng còn phải xác minh thêm vì hiện có nhiều thông tin trái chiều, tuy nhiên ông khẳng định nhóm bảo vệ này chưa nổ súng. “Công ty bảo vệ này có giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Hiện chúng tôi vẫn thu thập thêm hình ảnh, chứng cứ và lời khai các bên liên quan để có kết luận cuối cùng, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý theo quy định”, ông khẳng định.
Ông Huỳnh Văn Hùng – Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận – cho biết đã yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết báo cáo toàn bộ vụ việc. “Việc nhóm bảo vệ đi theo Quản tài viên còng tay chủ trường và rút súng thị uy đúng hay sai thì đầu tuần tới chúng tôi sẽ làm việc, sau đó đưa ra nhận xét, kiến nghị, báo cáo lên UBND tỉnh”, ông Hùng cho hay.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, đối chiếu theo quy định tại Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (sửa đổi bổ sung năm 2013), trong tình huống này, không thuộc trường hợp nào được phép sử dụng công cụ hỗ trợ, nếu bảo vệ dùng là vi phạm. Còn có xâm phạm đến quyền tự do và dân chủ thì cần coi động cơ và mục đích của nhóm bảo vệ này, từ đó mới xem xét mức độ.
Còn luật sư Hoàng Như Vĩnh (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng, nhóm bảo vệ đi theo Quản tài viên còng tay chủ trường và rút súng thị uy trong bối cảnh giữa sân trường có nhiều học sinh và phụ huynh là “không phù hợp”. “Hành vi đó có được xem là bắt giữ người trái pháp luật hay rút súng hù dọa, lạm quyền… hay không thì phải xem xét tổng thể quá trình vụ việc, trước và khi xảy ra”, luật sư Vĩnh nói.
Cũng theo luật sư Vĩnh, công ty bảo vệ nằm trong danh sách được quyền sử dụng công cụ hỗ trợ như còng, súng bắn đạn cao su phục vụ cho công việc nhưng việc sử dụng súng bắn đạn cao su phải được cấp phép. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ này cũng phải đúng lúc, đúng chỗ theo quy định.
Chiều hai hôm trước, nhiều người mặc đồng phục bảo vệ đi cùng Quản tài viên bất ngờ xông vào trường Mầm non – Tiểu học Thanh Nguyên yêu cầu làm việc với bà Dung nhưng không được đồng ý.
Nữ giám đốc được cho chạy ra giữa sân có ý định dùng xăng tự thiêu thì bị họ bắt lại, còng tay ra sau lưng. Bị các giáo viên phản ứng, một người đàn ông trong nhóm bảo vệ rút súng thị uy khiến nhiều người hoảng sợ. Khi công an phường có mặt, bà Dung được tháo còng.
Sự việc xuất phát từ việc Công ty Thanh Nguyên bị TAND TP Phan Thiết tuyên bố phá sản. Quản tài viên Trần Đăng Minh được Chi cục thi hành án TP Phan Thiết giao thực hiện thanh lý tài sản của công ty này trả cho chủ nợ. Tuy nhiên, bà Dung không đồng ý với quyết định phá sản của tòa nên đang kháng cáo.
UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban ngành, công an vào cuộc để xử lý vụ việc đúng theo trình tự pháp luật, tuy nhiên cần đảm bảo việc học tập của hơn 1.000 học sinh trường này.